Qua hai năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của mình trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn vùng, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình hội nhập, phát triển bền vững của cả nước.
Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng phát triển mạnh mẽ vànhững kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian gần đây, Khánh Hòa đang nổi lên như một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, khẳng định vị thế tiên phong trong việc triển khai các nghị quyết về phát triển vùng của Trung ương, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững của khu vực.
Sở hữu vị trí đắc địa, nằm giữa giao lộ của vùng Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, đồng thời là cầu nối quan trọng giữa miền Bắc và miền Nam, Khánh Hòa có điều kiện thuận không chỉ trong phát triển kinh tế, giao thương mà còn đóng vai trò là trung tâm kết nối trong chuỗi giá trị khu vực. Các cảng nước sâu tại Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh, Sân bay quốc tế Cam Ranh, các tuyến cao tốc, đường bộ, đường sắt Bắc Nam đã tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng xuất khẩu, logistics và dịch vụ vận tải biển cho cả vùng.
Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 27/4/2023 và UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 6047/KH-UBND ngày 20/6/2023 để cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng hạ tầng, cải cách hành chính và tăng cường liên kết vùng nhằm tạo ra hành lang kinh tế liên vùng, đồng bộ trong chiến lược phát triển chung của toàn khu vực.
Kinh tế tăng trưởng với nhiều thành tựu nổi bật
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP của Khánh Hòa liên tục đạt mức khá. Đặc biệt năm 2022, ngay sau đại dịch COVID-19, Khánh Hòa đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả nước, lên đến 20,7%. Đến năm 2023, Khánh Hòa tiếp tục duy trì đà phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,35% (xếp thứ 4 cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung). Thành công này phần lớn đến từ những chính sách kích cầu, phục hồi kinh tế sau đại dịch, kết hợp với việc đẩy mạnh các dự án hạ tầng chiến lược và cải cách hành chính mạnh mẽ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Khánh Hòa ước đạt 1.550 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh bao gồm: hàng thủy sản, tàu thuyền và cà phê, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỉnh cũng đã nỗ lực trong việc tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm. Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, Khánh Hòa còn chú trọng phát triển thương mại nội địa, đặc biệt là thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng và xúc tiến thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 97.887 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào các hoạt động kích cầu du lịch và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Du lịch tiếp tục khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn
Khánh Hòa được biết đến là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam với vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, cùng nhiều danh lam thắng cảnh, các resort, khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp trên bờ biển 385km kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ. Không chỉ có du lịch biển, Khánh Hòa còn có nhiều tiềm năng du lịch đến từ hệ thống sinh thái, khí hậu đa dạng trên các loại định hình từ ven biển, đồng bằng lên đến núi cao. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đã giúp tỉnh trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ, thúc đẩy đô thị hóa và hiện đại hóa.
Trong những năm qua, Khánh Hòa không chỉ là trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực miền Trung mà còn khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch quốc gia. Thành phố Nha Trang, với bãi biển đẹp và nhiều điểm tham quan hấp dẫn, tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Sau đại dịch COVID-19, nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, Khánh Hòa đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ về lượng khách nội địa và quốc tế đến với tỉnh.
Năm 2023, tổng số lượt khách lưu trú đến Khánh Hòa đạt hơn 7,2 triệu lượt khách, tăng 181,6% so với năm 2022; trong đó 2,4 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước thực hiện cả năm đạt ước đạt hơn 33.000 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu du lịch Khánh Hòa ước đạt 44.226,7 tỷ đồng, tăng 62,2% so cùng kỳ năm 2023, với hơn 8,9 triệu lượt khách, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó 3,6 triệu lượt khách quốc tế.
Có được những kết quả trên là nhờ ngành du lịch Khánh Hòa đã triển khai tổ chức hiệu quả các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường quốc tế như Trung Quốc, Kazakhstan, Thái Lan...; tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, hãng lữ hành quốc tế Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đến khảo sát, kết nối hoạt động du lịch và nhận được đánh giá cao về du lịch Khánh Hòa với đường bay thuận lợi, sản phẩm hấp dẫn và con người thân thiện, mến khách. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa đã tập trung tổ chức thành công các chương trình sự kiện trọng tâm - bản sắc nhằm khẳng định thương hiệu Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa với khởi đầu chuỗi sự kiện hè ấn tượng là chương trình Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024 và Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024, Hội nghị Xúc tiến Du lịch Ấn Độ - Khánh Hòa 2024...; làm việc với Vietjet Air xúc tiến mở rộng các đường bay từ 02 thị trường quan trọng hiện có là Trung Quốc và Kazakhstan và thực hiện mở đường bay trực tiếp hoặc nối chuyến đối với các thị trường Nhật Bản, Úc, Ấn Độ.
Bên cạnh các dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp đã đi vào hoạt động, Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch với nhiều dự án trọng điểm như: các dự án tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise, Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh... Những dự án này sau khi hoàn thành đi vào hoạt động không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào thu nhập xã hội. Ngoài ra, Khánh Hòa còn đang triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế đêm và du lịch sinh thái để tận dụng tối đa tiềm năng du lịch và gia tăng thời gian lưu trú của du khách, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành du lịch tỉnh.
Du lịch Khánh Hòa vừa đón 9 triệu lượt khách du lịch, đạt kế hoạch trước 3 tháng. Ảnh: Xuân Thành. Báo Khánh Hòa
Công nghiệp và đầu tư - bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế
Sản xuất công nghiệp đang dần trở thành trụ cột quan trọng trong sự phát triển của Khánh Hòa. Một số dự án công nghiệp lớn đã đi vào hoạt động (Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1…), các khu, cụm công nghiệp đã và đang chuẩn bị triển khai (Hạ tầng KCN Ninh Thủy, KCN Dốc Đá Trắng, Nam Cam Ranh; các CCN: Diên Phú, Diên Thọ, Trảng É 2, Sông Cầu, Ninh Xuân, Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông …) không chỉ giúp tỉnh tăng cường năng lực sản xuất mà còn tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào thu ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất linh kiện điện tử, và các dự án năng lượng lớn, năng lượng tái tạo đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 32,11% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp sau đại dịch và sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - đóng vai trò chủ lực trong sự phát triển công nghiệp của tỉnh - ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 23,6%. Các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng cũng tăng gấp 3 lần, góp phần quan trọng vào tổng sản phẩm trên địa bàn.
Nhờ tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế, Khánh Hòa đã tạo ra nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, Hội nghị công bố Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045... Ngoài ra, Khánh Hòa còn tiếp đón các đoàn đại biểu quốc tế từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, và châu Âu đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư tại tỉnh. Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư này không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn góp phần thúc đẩy quá trình quốc tế hóa kinh tế địa phương. Khánh Hòa đã ký kết nhiều bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ.
Với việc triển khai các chính sách thiết thực trong thu hút đầu tư, Khánh Hòa đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 14 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.858 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 12 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 8.152,3 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô lớn hiện nay đang được các nhà đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện như: Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise, Dự án Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home tại phường Cam Nghĩa… Khánh Hòa đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch và bất động sản.
Nông nghiệp tái cơ cấu để phát triển bền vững
Bên cạnh phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ, nông nghiệp vẫn giữ vai trò khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế Khánh Hòa, đặc biệt là trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông thôn bền vững. Tỉnh đã triển khai nhiều dự án, chương trình cải tiến mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào nuôi trồng thủy sản và cây trồng đặc sản. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để khai thác và phát huy lợi thế địa phương, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại.
Một trong những điểm nhấn trong nông nghiệp của Khánh Hòa là chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Tỉnh đã triển khai mô hình nuôi biển bằng lồng công nghệ cao, giúp tăng năng suất và giảm thiểu tác động đến môi trường biển. Đặc biệt, các mô hình như ứng dụng công nghệ “sông trong ao” để nuôi cá biển, công nghệ SemiBiofloc trong nuôi tôm, ứng dụng vật liệu FRP sản xuất khung lồng nuôi thủy sản trên biển… đã mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Khánh Hòa trên thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như xoài, bưởi, tôm, cá… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản.
Cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn chuyển mình mạnh mẽ
Phát triển hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Khánh Hòa nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư. Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi và phát triển đô thị.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn Khánh Hòa tiếp tục được tập trung đầu tư đồng bộ. Khánh Hòa đã phối hợp tốt với các đơn vị, bộ ngành trong triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, nhất là các tuyến đường cao tốc đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng như Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo và nhiều tuyến giao thông trọng điểm khác đang được triển khai như Cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột giai đoạn 1, Nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 26B, tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa… khi hoàn thành sẽ góp phần tăng khả năng kết nối các vùng động lực, phát triển logistic và kinh tế biển.
Về phát triển đô thị, tỉnh đã hoàn thành nhiều quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040. Hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp cũng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bền vững.
Ngoài việc phát triển hạ tầng đô thị, Khánh Hòa cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng nông thôn nhằm cải thiện đời sống và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực này. Tỉnh cũng đã tập trung phát triển chương trình nông thôn mới với các kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh đã có 65/92 xã (70,6% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 19/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (20,6% số xã); không còn xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung trên địa bàn toàn tỉnh là 16,9 tiêu chí/xã. Huyện Diên Khánh dự kiến đánh giá, công nhận đạt chuẩn trong năm 2024. Việc nâng cao chất lượng cuộc sống tại nông thôn, cải thiện điều kiện hạ tầng và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững là những mục tiêu quan trọng mà Khánh Hòa đang theo đuổi, nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phía Bắc thành phố Nha Trang. Nguồn ảnh Internet
Phát huy hơn nữa vai trò thúc đẩy liên kết vùng
Khánh Hòa không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nội tỉnh mà còn đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế liên vùng. Các dự án hợp tác với các địa phương lân cận đã mang lại những lợi ích chung, không chỉ thúc đẩy sự phát triển đồng bộ mà còn gia tăng sự cạnh tranh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trên cả nước. Hợp tác này không chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ mà còn bao gồm cả văn hóa, giáo dục và công nghệ, giúp toàn vùng phát triển bền vững.
Điển hình cho sự liên kết này là việc Khánh Hòa đã phối hợp tốt với Đắk Lắk trong việc phát triển các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, qua đó mở ra những cơ hội mới trong đầu tư và thương mại giữa các tỉnh. Đồng thời, Khánh Hòa cũng đã đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh như: Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và logistics. Trong đó đã phối hợp triển khai Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hoà - kết nối với Lâm Đồng, tỉnh Ninh Thuận và đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lâm Đồng trong đề xuất đầu tư tuyến đường bộ cao tốc kết nối Nha Trang với Đà Lạt.
Những khó khăn, thách thức đặt ra
Bên cạnh nhiều thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật, Khánh Hòa vẫn còn đối diện với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, cơ cấu kinh tế chưa hoàn thiện. Mặc dù tỉnh đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp và du lịch, nhưng sự phụ thuộc vào du lịch vẫn còn lớn, khiến nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động bên ngoài như dịch bệnh hay suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế vẫn là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tỉnh. Dù đã có nhiều chương trình đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, nhưng chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao như công nghệ thông tin, kỹ thuật và khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Khánh Hòa đang gặp phải những khó khăn trong việc quản lý quy hoạch đô thị, môi trường và hạ tầng cơ sở. Tình trạng ô nhiễm môi trường, quản lý nước sạch và chất thải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các khu du lịch và khu đô thị mới.
Hậu quả từ biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường là những nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, áp lực cạnh tranh toàn cầu và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng đang đặt ra những bài toán khó khăn cho chính quyền và doanh nghiệp địa phương.
Định hướng và giải pháp
Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có việc xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa còn rất nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện.
Việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, từ công nghiệp truyền thống sang các ngành có giá trị gia tăng cao là một nhiệm vụ tiên quyết. Trong đó, Khánh Hòa xác định tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại và du lịch quốc tế. Các dự án phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đại dương và nuôi biển công nghệ cao, sẽ được triển khai nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất và xuất khẩu của tỉnh. Khánh Hòa cũng đang khẩn trương thực hiện thủ tục để thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương để triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ biển, phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Một trong những giải pháp quan trọng tiếp theo mà Khánh Hòa đang tập trung thực hiện là đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kết nối liên vùng. Các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tuyến đường ven biển Ninh Hòa - Vạn Ninh, việc đầu tư nâng cấp các cảng nước sâu, sân bay sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy giao thương trong vùng và kết nối quốc tế. Điều này không chỉ giúp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò động lực phát triển của khu vực mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như chế biến thủy sản, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Tỉnh đã và đang hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản đang mang lại những hiệu quả tích cực, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và gia tăng năng suất.
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong đó cần tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, phát triển các khu bảo tồn sinh thái và thực hiện các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ các ngành công nghiệp truyền thống, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức không.
Để tiếp tục duy trì đà phát triển, là điểm sáng về phát triển kinh tế bền vững với những giải pháp mang tính đột phá và dài hạn, Khánh Hòa cần thực hiện tốt chương trình phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, du lịch và dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và dịch vụ. Trong đó, tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Đây là những yếu tố quan trọng giúp tỉnh giữ vững và gia tăng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới.
Liên kết vùng và hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để Khánh Hòa tận dụng tối đa các nguồn lực phát triển. Tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp từ các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, công nghệ và hạ tầng, sẽ được tăng cường để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Có thể nói, Khánh Hòa đang chứng minh vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Với những thành tựu vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế, hạ tầng phát triển đồng bộ, cùng các định hướng chiến lược đúng đắn, tỉnh đã và đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của cả vùng. Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của người dân và sự hỗ trợ từ Trung ương, Khánh Hòa đang nắm giữ nhiều cơ hội lớn. Việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và các cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội đang tạo động lực mạnh mẽ để Khánh Hòa phát triển toàn diện hơn, không chỉ góp phần vào sự thịnh vượng của riêng mình mà còn nâng tầm cả khu vực trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
Nguồn: VP.UBND tỉnh